Đặc điểm về âm nhạc hai nhà soạn nhạc thiên tài Beethoven_và_Mozart

Nét chung của hai ngườiCả Mozart và Beethoven đều có những đóng góp không nhỏ cho nền âm nhạc cổ điển thế giới. Cả hai đã đưa thời kỳ Cổ điển lên đỉnh cao. Họ đã kế thừa truyền thống và những gì mà những người tiền nhiệm, tiêu biểu là Joseph Haydn, đã vạch ra cho nền âm nhạc thế kỷ XVIII. Cả Haydn, Mozart, Beethoven đã biến Viên trở thành thủ đô âm nhạc của cả thế giới lúc đó, đã gây dựng nên một trường phái âm nhạc nổi tiếng, đó là trường phái cổ điển Viên. Đóng góp lớn nhất của cả ba đó chính là phát triển một trong những thể loại quan trọng nhất của nhạc cổ điển: giao hưởng. Thêm vào đó, cả Mozart và Beethoven có đóng góp không hề nhỏ cho thể loại opera mang chất Đức, đó là singspiel (tiếng Đức: kịch hát). Họ đã đưa thể loại đó lên đến đỉnh cao[3]. Đồng thời cả hai đã thể hiện rõ chất lãng mạn trong mỗi tác phẩm của mình. Thế nên, họ khác người tiền nhiệm Haydn ở chỗ đó, con người hầu như chỉ viết nhạc để phục vụ cho chốn cung đình.

Nét riêng

Tuy có những nét chung như vậy, nhưng Mozart và Beethoven đều có sức mạnh. Nếu như Mozart sáng tác các tác phẩm của mình với những nốt nhạc trẻ trung, tươi mát (dù có lâm vào hoàn cảnh khó khăn) thì các tác phẩm của Beethoven lại mang nhiều tâm sự (có thể thấy rõ điều này ở các tác phẩm trong khoảng thời gian ông bị điếc hoàn toàn). Nếu các tác phẩm của Mozart là những tác phẩm âm nhạc chứa đầy sự đẹp đẽ thì những sáng tác của Beethoven mang nhiều tính triết lý sống. Nếu như Mozart còn vấn vương khá nhiều với cấu trúc cổ điển mà Haydn đã xây dựng (có thể thấy trong các bản giao hưởng của ông, chương 3 là chương minuet, điều vẫn thường thấy trong các bản giao hưởng của Haydn. Thậm chí, phong cách viết giao hưởng theo kiểu tứ tấu đàn dây, mỗi chương là một câu chuyện của Haydn xuất hiện khá nhiều trong các tác phẩm của Mozart) thì Beethoven đã vượt ra ngoài khuôn khổ đó và có nhiều thay đổi đáng chú ý (các bản giao hưởng của ông không còn các khúc minuet ở chương 3 nữa mà đó là chương scherzo, đồng thời ông còn đưa ra suy nghĩ rằng mỗi chương là một phần của câu chuyện[4]).